• :
  • :
*Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam*

PHÁT TRIỂN NGUỒN TÀI NGUYÊN CÂY THUỐC VÀ TRI THỨC BẢN ĐỊA KHU VỰC TÂY NGUYÊN

29.06.2020 -

Phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc và tri thức bản địa khu vực Tây Nguyên

Bùi Văn Thanh, Nguyễn Thế Cường, Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Văn Sinh

Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

 

Thông qua thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học cho mô hình quản lý tổng hợp hệ sinh thái núi Nam Trường Sơn nhằm bảo tồn và khai thác bền vững”, mã số TN18/T07 (thuộc Chương trình KH&CN Tây Nguyên 2016-2020), đã ghi nhận tại Tây Nguyên có 4782 loài thuộc 1458 chi và 257 họ thực vật trong các ngành thực vật bậc cao có mạch; trong đó ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) là đa dạng nhất, với 4393 loài (chiếm 91,86% tổng số loài). Đề tài cũng ghi nhận được 1713 loài cây làm thuốc (chiếm 35,82% tổng số loài thực vật) của 257 họ trong các ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó ngành Ngọc lan có 1582 loài (chiếm 92,35% tổng số loài làm thuốc); 167 loài cây thuốc quý, hiếm, ưu tiên bảo vệ, trong đó có 88 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 53 loài có tên trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Kết quả thống kê bước đầu ghi nhận khoảng 450 bài thuốc và 800-1000 loài cây thuốc được sử dụng trong cộng đồng các dân tộc tại khu vực Tây Nguyên để chăm sóc sức khỏe. Một số loài cây thuốc quý hiếm, có giá trị cao có thể đưa vào nhân trồng với quy mô lớn như Sâm ngọc linh, Đảng sâm (hay còn gọi là Đẳng sâm), Thông đỏ, Giảo cổ lam, các loài Bình vôi, Hoàng đằng, Bí kỳ nam, Trầm hương, Sâm cau, Lan kim tuyến…

 

Đa dạng thực vật và tài nguyên cây thuốc

Với nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú, kết hợp với sự đa dạng về dân tộc, văn hóa, tri thức truyền thống..., khu vực Tây Nguyên không chỉ đa dạng về nguồn tài nguyên cây thuốc mà còn phong phú về tri thức, kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của cộng đồng các dân tộc. Qua điều tra, nghiên cứu và tổng hợp các tài liệu tại Tây Nguyên, chúng tôi đã ghi nhận được 4782 loài thuộc 1458 chi và 257 họ thực vật trong các ngành thực vật bậc cao có mạch (Psilotophyta - Khuyết lá thông, Lycopodiophyta - Thông đất, Equisetophyta - Cỏ tháp bút, Polypodiophyta - Dương xỉ, Pinophyta - Thông và Magnoliophyta - Ngọc lan) (bảng 1); trong đó ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) là đa dạng nhất, với 4393 loài (chiếm 91,86% tổng số loài).

 

Các kết quả cũng cho thấy, Lâm Đồng là tỉnh có số loài thực vật nhiều nhất (với 3255 loài) và Đắc Nông là tỉnh có số loài ít nhất, với 1079 loài.

Bảng 1. Số lượng loài thực vật và cây thuốc tại các tỉnh Tây Nguyên.

*: nhóm Dương xỉ bao gồm các ngành: Psilotophyta - Khuyết lá thông, Lycopodiophyta - Thông đất, Equisetophyta - Cỏ tháp bút và Polypodiophyta - Dương xỉ.

**: số liệu từ Báo cáo quy hoạch đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng là 3.526 loài.

Kết quả điều tra, tổng hợp và đối chiếu với các tài liệu đã công bố về cây thuốc, đã ghi nhận được 1713 loài cây làm thuốc (chiếm 35,82% tổng số loài thực vật) của 257 họ trong các ngành thực vật bậc cao có mạch; trong đó ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) có 1582 loài (chiếm 92,35% tổng số loài làm thuốc) (bảng 2).

Bảng 2. Sự phân bố các bậc taxon cây thuốc tại Tây Nguyên.

 

 

Các loài cây thuốc thường tập trung ở các họ thực vật lớn, gồm: Cúc (Asteraceae) - 90 loài; Thầu dầu (Euphorbiaceae) - 82 loài; Cà phê (Rubiaceae) - 81 loài; Đậu (Fabaceae) - 80 loài; Trúc đào (Apocynaceae); Cam (Rutaceae); Bạc hà (Lamiaceae); Dâu tằm (Moraceae); Lan (Orchidaceae); Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Đây là các họ có từ 30 loài trở lên.

Các chi có nhiều loài làm thuốc nhất là: Ficus (17 loài), Ardisia (12 loài), Dendrobium (12 loài), Dioscorea (12 loài), Solanum (11 loài), Smilax (11 loài); các chi Polygonum, Euphorbia, Hedyotis, Allium, Rubus, Croton, Schefflera, Senna, Syzygium, Zanthoxylum (có từ 8 đến 10 loài).

Các kết quả điều tra, khảo sát thực vật học đã ghi nhận hơn 60 loài mới bổ sung cho danh lục cây thuốc của Tây Nguyên. Trong số đó có 1 loài được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) ở mức độ rất nguy cấp (CR), đó là loài Smilax petelotii T. Koyama. Kết quả điều tra cũng ghi nhận có 167 loài cây thuốc quý, hiếm, ưu tiên bảo vệ, trong đó có 88 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 53 loài có tên trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Một số loài có giá trị cao như: Sâm ngọc linh, Đảng sâm, Thông đỏ, Giảo cổ lam, các loài Bình vôi, Hoàng đằng, Bí kỳ nam, Trầm hương, Sâm cau, Lan kim tuyến… Phân bố về cây thuốc ở các tỉnh cũng không đồng đều, Lâm Đồng là tỉnh đã xác định được nhiều loài cây thuốc nhất, trong khi Đắc Nông ghi nhận được ít nhất.

Sự đa dạng thực vật nói chung và cây thuốc nói riêng tập trung chủ yếu ở các khu vực còn rừng, trong đó đặc biệt là các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên. Kết quả thống kê của một số Vườn quốc gia và Khu bảo tồn trong khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ được thể hiện ở bảng 3.

Bảng 3. Số loài thực vật và cây thuốc tại một số Vườn quốc gia và Khu bảo tồn tại Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Tri thức bản địa trong việc sử dụng cây thuốc của đồng bào dân tộc thiểu số

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 thì khu vực Tây Nguyên có 54/54 dân tộc (32 dân tộc có mặt ở cả 5 tỉnh Tây Nguyên). Mỗi dân tộc có nét văn hóa, tập quán và vùng cư trú vốn có khác nhau, trong quá trình phát triển lâu dài, các dân tộc đã từng bước hình thành, tích lũy, chọn lọc và học hỏi các tri thức, kinh nghiệm sử dụng tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên cây thuốc nói riêng. Mỗi vùng, miền khác nhau có điều kiện tự nhiên khác nhau, dẫn đến thành phần thực vật cũng khác nhau. Đối với mỗi dân tộc, thành phần và số lượng loài cây thuốc được sử dụng theo kinh nghiệm truyền thống, một phần phụ thuộc vào sự hiểu biết của cộng đồng về giá trị sử dụng, mặt khác phụ thuộc vào sự có mặt của cây thuốc trong khu vực cư trú vào thời gian hiện tại.

 

Hiện nay, đồng bào các dân tộc trên cả nước không còn sống cố định tại các vùng cư trú vốn có mà đã có sự di chuyển qua lại giữa các vùng, miền, đồng thời mang theo nhiều tri thức đến nơi sinh sống mới. Từ các kinh nghiệm đã có, người dân từng bước điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện mới, từ đó nhiều tri thức mới được hình thành.

Kết quả điều tra của các đề tài giai đoạn 2011-2019 bước đầu ghi nhận khoảng 450 bài thuốc và 800-1000 loài cây thuốc được sử dụng trong cộng đồng các dân tộc tại khu vực Tây Nguyên để chăm sóc sức khỏe. Một số nhóm bệnh có nhiều cây thuốc được sử dụng là: các bệnh liên quan đến hệ vận động (cơ, xương, khớp), tiêu hóa, ngoài da, các bệnh của phụ nữ… Đây đều là các bệnh hay gặp đối với người dân lao động nông nghiệp, điều kiện đi lại, môi trường sinh sống còn nhiều khó khăn.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, các dân tộc có số lượng dân cư lớn vẫn đang là các tộc người khai thác và sử dụng số lượng loài cây thuốc lớn theo kinh nghiệm truyền thống. Ngược lại, các dân tộc sử dụng số lượng loài cây thuốc thấp thường là các tộc người có dân số thấp hoặc có vùng cư trú hẹp. Các cộng đồng cư dân bản địa chỉ khai thác và sử dụng một tỷ lệ nhất định thành phần các loài cây thuốc thực tế có ở khu vực cư trú.

Đề xuất một số giải pháp phát triển cây thuốc

Qua kết quả điều tra, đánh giá thực trạng nguồn tài nguyên cây thuốc cũng như thực trạng khai thác, sử dụng cây thuốc tại khu vực Tây Nguyên cho thấy, nơi đây có mức độ đa dạng về nguồn tài nguyên cây thuốc cao, có nhiều loài quý, hiếm, có giá trị cao về khoa học và kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay đa số các loài cây thuốc được khai thác từ tự nhiên, thiếu sự quản lý, giám sát. Bên cạnh đó, sự suy giảm đa dạng sinh học nói chung cũng chính là tác nhân gây suy giảm nguồn tài nguyên cây thuốc. Không chỉ có vậy, sự mai một về tri thức truyền thống cũng có tác động tiêu cực đến giá trị và nguồn tài nguyên cây thuốc. Do đó, cần có các biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ trong việc bảo tồn, phát triển các giá trị của nguồn tài nguyên cây thuốc tại khu vực Tây Nguyên.

Trong khuôn khổ của bài báo này, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau đây nhằm phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc, góp phần chăm sóc sức khỏe cũng như phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên:

- Điều tra, đánh giá toàn diện về nguồn tài nguyên cây thuốc tại khu vực Tây Nguyên, bao gồm cả điều tra đa dạng thành phần loài, hiện trạng phân bố, trữ lượng; hiện trạng khai thác, sử dụng; đánh giá nhu cầu thị trường trong và ngoài nước có liên quan đến dược liệu tại Tây Nguyên; đánh giá về điều kiện và năng lực sản xuất dược liệu của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn.

- Quy hoạch và xây dựng các khu vực trồng, chế biến dược liệu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn dược liệu trong nước và quốc tế, từng bước nâng cao giá trị mang lại từ dược liệu. Lựa chọn các loài cây thuốc và mô hình để phát triển nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn nguồn gen và phát triển kinh tế - xã hội. Một số loài cây thuốc quý hiếm, có giá trị cao có thể đưa vào nhân trồng với quy mô lớn như Sâm ngọc linh, Đảng sâm, Thông đỏ, Giảo cổ lam, các loài Bình vôi, Hoàng đằng, Bí kỳ nam, Trầm hương, Sâm cau, Lan kim tuyến… hoặc một số loài có nhu cầu thị trường lớn như Nghệ, Đinh lăng, Diệp hạ châu, Chè dây, Actiso… Nâng cao hàm lượng khoa học, công nghệ trong các sản phẩm dược liệu, hạn chế việc buôn bán, xuất khẩu dược liệu thô.

- Nghiên cứu di thực và thuần hóa đối với một số loài cây thuốc quý hiếm, có phân bố tự nhiên hẹp, có yêu cầu khắt khe về môi trường sống như Sâm ngọc linh, Lan kim tuyến… Từng bước đưa các loài này ra môi trường nhân trồng mới, hạn chế các tác động tiêu cực đến vùng phân bố tự nhiên.

- Bảo tồn, phát triển tri thức truyền thống gắn liền với phát triển du lịch: hiện nay, du lịch tại khu vực Tây Nguyên đang trong quá trình phát triển mạnh, thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế. Một trong các yếu tố thu hút du lịch tại đây là sự đa dạng, độc đáo về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Do vậy, việc kết hợp tốt giữa bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn cây thuốc nói riêng cũng như bảo tồn tri thức bản địa gắn liền với các hoạt động du lịch sẽ làm tăng thêm lực hút đối với du khách.

Bên cạnh những giải pháp nêu trên, từ thực tế nghiên cứu, chúng tôi cũng kiến nghị một số nội dung cần thực hiện trong thời gian tới như sau:

- Tiếp tục điều tra, đánh giá về tiềm năng phát triển dược liệu tại khu vực này.

- Tri thức truyền thống ngày càng bị mai một do tài nguyên thiên nhiên giảm dần, người già mất đi, trong khi người trẻ lại có nhiều lựa chọn mới trong sinh kế. Do đó, cần nhanh chóng thu thập, lưu giữ tri thức truyền thống nói chung và tri thức trong sử dụng cây thuốc nói riêng.

- Hiên nay đã có nhiều nghiên cứu về đa dạng sinh học cũng như nghiên cứu về dược liệu tại khu vực Tây Nguyên, tuy nhiên các nghiên cứu còn nhỏ lẻ, kết quả được lưu giữ ở nhiều nơi khác nhau, gây nên sự thiếu hụt thông tin, chồng chéo về nội dung… Đây là sự lãng phí rất lớn, do đó cần xây dựng một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về dược liệu của khu vực Tây Nguyên.

Nguồn:https://vjst.vn

Online: 2
Hôm nay: 315
Tuần này: 446
Tổng lượt truy cập: 00293586