Đặc điểm cấu trúc lâm phần rừng tự nhiên nơi có loài Giổi nhung (Paramichelia Braianensis Dandy) phân bố tại cao nguyên Kon Hà Nừng
Trần Hồng Sơn, Trần Thị Thúy Hằng, Nguyễn Minh Thanh, Phạm Tiến Bằng
TÓM TẮT
Giổi nhung là cây gỗ lớn thường xanh, cao 30 - 40 m, đường kính 40 - 70 cm. Đây là loài cây đặc hữu của Việt Nam, chỉ gặp ở các tỉnh Tây Nguyên từ Gia Lai, Đăk Lăk đến Lâm Đồng (Di Linh, Braian). Cây phân bố ở độ cao 600 - 1.000 m so với mực nước biển trong các lâm phần rừng tự nhiên lá rộng thường xanh hoặc rừng hỗn giao với cây lá kim. Trong cấu trúc tầng cây cao, mật độ Giổi nhung khá thấp (4 - 63 cây/ha), chiếm từ 0,6 - 8,3% mật độ lâm phần. Giổi nhung chỉ xuất hiện trong tổ thành rừng ở 11/19 ô tiêu chuẩn (OTC) thuộc các lâm phần Kon Hà Nừng, KBT Kon Chư Răng với hệ số IV% dao động từ 5,20 - 11,82%, riêng khu vực Krông Pa không có sự xuất hiện của Giổi nhung trong tổ thành rừng của lâm phần. Mức độ phong phú của loài Giổi nhung có sự biến động lớn giữa các điểm điều tra, chỉ số R dao động từ 2,17 (KRP 02) đến 3,20 (KHN 10). Chỉ số đa dạng loài khá cao, dao động từ 3,27 (KCR 01) đến 4,06 (KHN 09). Xu thế chung về chỉ số Renyi của các lâm phần rừng tự nhiên nơi có loài Giổi nhung phân bố tại Kon Hà Nừng đều ở mức đa dạng cao và chưa có sự chênh lệch lớn giữa các OTC nghiên cứu
Tạp chí khoa học và công nghệ Lâm nghiệp, số 4 (2018):39-49